Tổng Quan Về Phần Mềm Revit Structure
Ngày nay, Revit Structure ngày càng được áp dụng rộng rãi cho các kĩ sư, công ty thiết kế và thi công kết cấu để xây dựng một hình BIM (Building Information Modeling – Mô hình hóa thông tin công trình).
Để làm chủ được phần mềm Revit Structure, bạn cần đọc hiểu các khái niệm hệ thống phân loại các phần tử, làm quen với giao diện người dung Revit Structure.
Revit Structure dùng để làm gì?
Cũng như các phần mềm Revit khác, Revit Structure là một giải pháp phần mềm nhằm hộ trợ phát triển công trình trong môi trường BIM, chữ “Structure” ở đây đại diện cho các phần tử kết cấu, chịu lực công trình như dầm, sàn, cột, vách kết cấu …
– Cung cấp thông tin thiết kế và thi công trình: khối lượng vật liệu, số lượng cấu kiện chịu lực, mô hình phân tích kết cấu.
– Cung cấp mô hình trực quan: mô phỏng một mô hình kĩ thuật số đại diện cho các đối tượng công trình thực tế, hoặc chi tiết liên kết các cấu kiện, trình tự thi công công trình theo từng giai đoạn.
– Cung cấp hồ sơ dự án: hỗ trợ thiết lập bộ bản vẽ 2d để làm hồ sơ dự án.
Thế mạnh của Revit Structure
Nguyên lý nền tảng phần mềm
Revit Structure sử dụng hai nguyên lý chính để trở thành công cụ mạnh mẽ và dễ sử dụng. Thứ nhất, phần mềm lưu trữ các rang buộc, quan hệ giữa các thành phần trong mô hình. Thứ hai, thuật toán tham biến (parametric algorithm) đảm bảo khi có bất kì thay đổi nào, phần mềm tự động phối hợp các thành phần trong dự án, duy trì một mô hình kĩ thuật số tự cập nhập.
Nhờ vào khả năng đồng bộ sự thay đổi, duy trì tính ổn định dự án ở mọi lúc, bạn không cần phải can thiệp để cập nhập bản vẽ khi mô hình thay đổi. Phần mềm lập tức xác định các đối tượng sẽ bị tác động bởi thay đổi và phản ứng để tác động đến các đối tượng liên quan đó.
Cơ sở dữ liệu chung toàn dự án
Revit Structure giúp cải cách quy trình phát triển một dự án xây dựng, kiểm soát thông tin từ giai đoạn thiết kế kiến trúc với kết cấu, tạo hồ sơ bản vẽ thiết kế, hồ sơ bản vẽ hoàn công. Mọi thông tin dự án ở từng giai đoạn được tập trung ở một cơ sở dữ liệu chung và duy nhất của dự án.
Áp dụng cơ sở dữ liệu chung, có nghĩa là việc thay đổi mô hình ở bất kì giai đoạn nào được đánh giá ngay lập tức, các hồ sơ bản vẽ và các view được cập nhập tự động dựa trên thuật toán tham biến. Điều này có ý nghĩa vô cùng lớn: tiết kiệm thời gian triển khai, đơn giản hóa quá trình đồng bộ giữa các bộ môn kiến trúc, kết cấu và MEP, giữa các giai đoạn sử dụng công trình; hạn chế các sai sót trong quá trình phát triển và quản lý dự án.
Chia sẻ phạm vi công việc đa người dung
Revit Structure cung cấp các cơ chế cho phép đa người dung truy cập để tận dụng có quy trình đồng bộ dữ liệu phức tạp, cho phép tận dụng tối đa nguồn nhân lực, phân chia phạm vi công việc ở dự án có quy mô phức tạp. Chia sẻ công việc đa người dung cho phép phát triển quy trình quản lý dự án hiệu quả, nâng cao năng suất làm việc trong môi trường BIM.
Mô hình phân tích kết cấu
Revit Structural cung cấp các tính năng phân tích kết cấu để thiết lập mô hình phân tích kết cấu công trình. Mô hình phân tích này có thể xuất một phần hoặc toàn bộ thông tin phân tích (sơ đồ tính toán, tải trọng, điều kiện rang buộc, các thông số vật liệu…) sang một ứng dụng chuyên biệt về thiết kế và phân tích kết cấu.
Cách sử dụng phần mềm Revit Structure:
Giao diện người dùng (User Interface)
Một trong những lợi thế của Revit Structure là giao diện người dùng dễ sử dụng, trực quan của nó. Thanh ribbon Structure chứa các toolbar button được đặt tên, phân nhóm để bạn dễ dàng hiểu được mục đích sử dụng của chúng.
Thuật toán tham biến
Khái niệm tham biến đề cập đến các mối quan hệ giữa các phần tử trong mô hình tạo nên sự phối hợp và quản lý các thay đổi. Người dùng hoàn toàn có thể định nghĩa các ràng buộc giữa các phần tử bằng tham biến. Nền tảng của vận hành phần mềm là sự tương tác của các tham biến: bất cứ thay đổi nào xảy ra trong dự án ở bất kì lúc nào, Revit Structure sẽ tự động phối hợp và kiểm soát toàn bộ dự án thông qua các tham biến.
Ví dụ:
– Các Structural Column (cột chịu lực) được định vị dựa trên các Level (Cao độ tầng) cho trước. Nghĩa là nếu Level bị thay đổi giá trị, vị trí tương ứng và hiển thị hình dạng của các cột cũng thay đổi. Tham biến này thể hiện mối liên hệ giữa các thành phần (Structural Column và Level).
– Cạnh của Slab (sàn kết cấu) ràng buộc với mép Exterior Wall (Tường hoàn thiện). Khi thay đổi vị trí của Exterior Wall, cạnh của Slab tương ứng cũng thay đổi theo cho phù hợp. Tham biến này thể hiện sự liện kết giữa các thanh phần (Slab và Exterior Wall).
Phân loại các phần tử
Revit Structure phân loại các phần tử trong dự án thành 3 loại:
– Model Element: các phần tử đại diện cho các cấu kiện thực ở công trình. Model Element phân thành 2 loại nhỏ:
+ Host Element: bao gồm sàn, tường, mái… có khả năng đặt phần tử khác lên nó (Ví dụ lỗ mở trên sàn, cửa sổ đặt trên tường…). Các đối tượng này gọi là Host Element bởi đại diện cho chúng là các System Family (xem them bài viết về Family)
+ Component Element: bao gồm các đối tượng dầm, cột kết cấu, hệ dàn kết cấu. Đại diện cho chúng là các Component Family (Xem them bài viết về Family)
– Annotation & Datum Element: được chia làm hai nhóm nhỏ
+ Annotation Element: các phần tử phi thực tế để định vị, ký hiệu trên bản vẽ, hoặc một view nào đó (dimension, symbol, text note…)
+ Datum Element: các phần tử phi thực tế chứa thông tin chung dự án (tên dự án, vị trí, chủ đầu tư…)
– View Element: phần tử xác định các bạn nhìn vào các phần tử khác trong mô hình, bao gồm các View 3d, View Plan (mặt bằng), Section (mặt cắt), Elevation (mặt đứng) và các view đặc biết khác.
Ngoài ra, các phần tử trong Revit Structural có thể được phân loại bằng hệ thống Category. Category là tên của nhóm phần tử có cùng một chức năng trong công trình. Các category thuộc về kết cấu và phân tích bao gồm:
– Structural Column : cột chịu lực
– Structural Framing: dầm chịu lực
– Trus: hệ dàn chịu lực
– Structural Wall: tường chịu lực.
Bao gồm 3 loại: Shear wall: tường chống cắt, Bearing wall: tường chống uốn, Structural Wall: tường kết cấu nói chung.
– Foundation: móng chịu lực.
Bao gồm 3 loại: Isolated foundation: móng đơn, Wall foundation: móng bằng, Foundation slab: móng bè.
– Structural Floor: sàn chịu lực.
– Reinforcement: Các đối tượng thép gia cường trong cấu kiện bêtông cốt thép. Bao gồm: Rebar: cấu kiện thép nói chung, Reinforcement bar: thanh thép với hình dạng, phương rải và số lượng xác định, Fabric Reinforcement, Area Reinforcement, Path Reinforcement: thanh thép với hình dạng, phương rải trên một diện tích xác định, Rebar Coupler: kết nối giữa hai phẩn tử thép.
– Connection: chi tiết liên kết giữa hai cấu kiện kết cấu (có thể là thép hoặc bêtông).
– Concrete Modeling: liên kết giữa hai cấu kiện bêtông chịu lực.
– …